Triển vọng chấm dứt đại dịch COVID-19
Triển vọng chấm dứt đại dịch COVID-19
Dịch bệnh Coronavirus 2019 (COVID-19), bắt đầu từ cuối năm 2019 sau đó lan tràn trên khắp thế giới, vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm vào đầu năm 2021 này. Các biện pháp can thiệp được tiến hành đang bộc lộ những hạn chế trong việc kiểm soát dịch bệnh. Nhân loại cần phải có thêm các phương tiện nhằm thay đổi cuộc chơi đang hồi rất gay cấn. Để đạt được mục tiêu đó, việc phát triển các loại vaccine và thuốc kháng virus đặc hiệu cho SARS-CoV-2 có vai trò quyết định.
Cái gì có thể giúp chấm dứt đại dịch COVID-19?
Trên hết, nó phải là thứ có thể tác động trực tiếp lên SARS-CoV-2. Muốn vậy, sự lây truyền từ người sang người phải được ngăn chặn bằng cách ngăn cản sự xâm nhập của SARS-CoV-2 vào tế bào vật chủ hoặc ức chế sự nhân lên của virus để chúng không thể tồn tại. Kết quả là chấm dứt đại dịch.
Giãn cách xã hội (social distancing) không thể chấm dứt hoàn toàn dịch COVID-19. Nó là một cách tốt để làm chậm tốc độ lây lan, nhưng không phải là phương tiện giúp chặn đứng hoàn toàn dịch bệnh. Điều này có ngụ ý đáng buồn là tất cả chúng ta một ngày nào đó sẽ bị nhiễm SARS-CoV-2 nếu không có thuốc hoặc vaccine đặc hiệu chống lại loại virus này.
Thuốc chống virus hoặc kháng thể đơn dòng điều trị COVID-19
Rất tiếc, người ta vẫn chưa tìm thấy loại thuốc kháng virus nào đặc hiệu cao với SARS-CoV-2. Một số loại thuốc vốn được sử dụng trong các bệnh khác đã được thử nghiệm để điều trị, nhưng không cho thấy hiệu quả đáng kể nào. Chỉ Remdesivir có tác dụng khiêm tốn trong một số chỉ định lâm sàng.
Các kháng thể đơn dòng, một phương pháp miễn dịch thụ động nhắm vào protein gai của virus, có những chỉ định hạn chế trong điều trị và vẫn cần phải được xác nhận thêm.
Một ngày nào đó, thuốc kháng virus đặc hiệu SARS-CoV-2, nếu được phát triển, sẽ giúp thay đổi cuộc chơi. Nhưng hiện tại thì chưa.
Hiện tại, mọi hy vọng đặt vào vaccine
Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Điều kiện cần và đủ để chấm dứt đại dịch COVID-19 là đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm phòng.
Ngoài các vaccine dựa trên công nghệ thông thường như vaccine sử dụng virus đã chết hoặc bị bất hoạt và vaccine tiểu đơn vị protein (protein subunit vaccine), một số vaccine dựa trên nền tảng công nghệ mới, như vaccine sử dụng acid nucleic (nucleic acids-based vaccine) với các phương tiện vận chuyển trung gian là virus, hạt nano hoặc plasmid cũng đã được giới thiệu trong đại dịch này.
Protein gai của SARS-CoV-2 là mục tiêu
Các protein cấu trúc chính tạo nên SARS-CoV-2 là protein gai, protein vỏ, protein màng và protein nucleocapsid. Trong số này, protein gai được xác định là mục tiêu thích hợp nhất cho vaccine COVID-19 qua một số thí nghiệm. Các protein gai đóng vai trò quan trọng trong bước đầu tiên của quá trình virus xâm nhập vào trong tế bào vật chủ bằng cách giúp chúng gắn kết với thụ thể ACE2. Do đó, vô hiệu hóa vùng liên kết với thụ thể (receptor binding domain - RBD) của protein gai sẽ ngăn chặn cơ chế bệnh sinh của coronavirus. Đây hiện là chiến lược cốt lõi của vaccine COVID-19.
Miễn dịch sau quá trình lây nhiễm tự nhiên so với tiêm chủng
Hầu hết các kháng thể kháng SARS-CoV-2 bắt đầu xuất hiện trong vòng 2 tuần sau khi xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên, dựa trên các nghiên cứu về các coronavirus khác, có một lo ngại rằng các kháng thể này không thể tồn tại lâu. Khả năng miễn dịch đối với các loài coronavirus ở người trước đây là dưới 6 tháng và khả năng miễn dịch với coronavirus SARS hoặc MERS là khoảng vài năm.
SARS-CoV-2 có một số hạn chế về cấu trúc nên khó tạo ra kháng thể trung hòa so với các virus RNA khác. Có thể vì lý do đó mà việc hình thành kháng thể sau quá trình lây nhiễm tự nhiên không dễ dàng và dường như chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Vì vậy, việc tạo ra miễn dịch bằng cách tiêm chủng là rất cần thiết.
Ý kiến bạn đọc