Kinh điển, mọi người đều cho rằng ruột thừa viêm nếu không được cắt bỏ chắc chắn sẽ dẫn tới hoại tử và vỡ mủ.
Thời gian diễn tiến của quá trình này tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Trong một nghiên cứu về diễn tiến tự nhiên của viêm ruột thừa [7], các tác giả đã phỏng vấn bệnh nhân về thời gian diễn tiến của các triệu chứng. Kết quả, bệnh nhân viêm ruột thừa chưa vỡ mủ có thời gian xuất hiện triệu chứng trung bình là 22 giờ trước khi đến viện. Trong khi đó, thời gian trung bình của những bệnh nhân vỡ mủ là 57 giờ. Nhưng có đến 20% số trường hợp viêm ruột thừa vỡ mủ lại được mổ trước 24 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng và có 1 bệnh nhân vỡ mủ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện chỉ có 11 giờ.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy không phải tất cả ruột thừa viêm đều dẫn tới vỡ mủ mà quá trình viêm của ruột thừa có thể tự hóa giải và ổn định cũng không hiếm [1]. Trên cơ sở phân tích dịch tễ học, Linvingston và cs. [4] cho rằng viêm ruột thừa không vỡ mủ và viêm ruột thừa vỡ mủ thực chất là hai bệnh lý khác nhau. Từ đó, xuất hiện một giả thuyết gây tranh cãi: viêm ruột thừa cấp gồm hai thực thể riêng biệt có diễn tiến khác nhau [2]. Một loại là viêm ruột thừa đơn thuần, không diễn tiến tới hoại tử và vỡ mủ. Loại này lại chia thành 2 thể: một thể sinh mủ (pus-producing) hoặc viêm tiến triển (nhưng không hoại tử và vỡ) cần phải phẫu thuật cắt bỏ; một thể có quá trình viêm diễn tiến ôn hòa rồi tự khỏi hoặc chỉ cần điều trị bằng kháng sinh. Loại thứ hai là viêm ruột thừa có quá trình viêm nặng nề và nhanh chóng dẫn tới hoại tử, vỡ mủ.
Ủng hộ cho giả thuyết này là 2 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên so sánh nội soi ổ bụng sớm và điều trị không mổ những bệnh nhân đau bụng cấp [3], [5]. Các nghiên cứu này đã phát hiện ở nhóm soi ổ bụng, dù được chọn ngẫu nhiên, cũng có tỷ lệ viêm ruột thừa gấp 3-5 lần so với nhóm điều trị không mổ. Điều này chứng tỏ, nhiều bệnh nhân viêm ruột thừa ở nhóm không mổ đã được điều trị khỏi mà không cần can thiệp ngoại khoa.
Năm 2010, Ruber và cs. [6] nghiên cứu nồng độ của các chỉ tố viêm (inflammatory marker) ở 3 nhóm bệnh nhân viêm ruột thừa đơn thuần, viêm ruột thừa hoại tử và đau bụng không đặc hiệu. Kết quả, so với nhóm viêm ruột thừa đơn thuần và nhóm đau bụng không đặc hiệu, nhóm viêm ruột thừa hoại tử có nồng độ các chỉ tố tiền viêm (proinflammatory marker) cao hơn nhưng lại có mức nồng độ các cytokin kháng viêm thấp hơn. Điều này khẳng định giả thuyết nghiên cứu ban đầu của các tác giả là viêm ruột thừa đơn thuần và viêm ruột thừa hoại tử là hai thực thể bệnh lý có sự điều hòa miễn dịch khác nhau,
Tài liệu tham khảo - Andersson RE (2007), “The natural history and traditional management of appendicitis revisited: spontaneous resolution and predominance of prehospital perforations imply that a correct diagnosis is more important than an early diagnosis. World J Surg, 31, pp. 86-92.
- Bhangu A, Soreide K, Di Saverio S et al. (2015), “Acute appendicitis: modern understanding of pathogenesis, diagnosis, and management”. Lancet, 386, pp. 1278–1287.
- Decadt B, Sussman L, Lewis MP, et al. (1999), “Randomized clinical trial of early laparoscopy in the management of acute nonspecific abdominal pain”. Br J Surg, 86, pp. 1383-1386.
- Livingston EH, Woodward WA, Sarosi GA, Haley RW (2007), “Disconnect between incidence of nonperforated and perforated appendicitis: Implications for pathophysiology and management”. Ann Surg, 245, pp. 886-892.
- Morino M, Pellegrino L, Castagna E, Farinella E, Mao P (2006), “Acute nonspecific abdominal pain: A randomized, controlled trial comparing early laparoscopy versus clinical observation”. Ann Surg, 244, pp. 881-886.
- Ruber M, Andersson M, Petersson BF et al. (2010), “Systemic Th17-like cytokine pattern in gangrenous appendicitis but not in phlegmonous appendicitis”. Surgery, 147, pp. 366–72.
- Temple CL, Huchcroft SA, Temple WJ (1995), “The natural history of appendicitis in adults. A prospective study”. Ann Surg, 221(3), pp. 278-281.
Ý kiến bạn đọc