Ngày 16/07/2020 vừa qua,
Khoa Phụ Sản – Bệnh Viện Đa Khoa Vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận và theo dõi sanh cho sản phụ T.T.V (19 tuổi - cư trú tại huyện Krông Bông) nhiễm Bạch Hầu. Với sự chuẩn bị chu đáo về kế hoạch phân luồng bệnh, tiếp đón, xử trí, chăm sóc - sản phụ và thai nhi đã thành công vượt cạn trong sự vui mừng của đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi.
Trong thời gian gần đây, việc bùng phát ổ dịch bạch hầu tại các tỉnh Tây Nguyên đang là một trong những chủ đề
“nóng” được Bộ Y tế, nhân dân cả nước quan tâm. Bệnh mang tính chất cấp tính và rất nguy hiểm cho người nhiễm đặc biệt ở phụ nữ đang mang thai, bài viết này nhằm cung cấp cho các bạn một cái nhìn cụ thể hơn về Bạch hầu và Thai kỳ.
Bênh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng thanh quản mũi. Đây là bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra.
Vi khuẩn tiết ra độc tố, dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu làm thay đổi giọng nói, sặc và khó nuốt khi ăn uống, nặng thì hôn mê, sau đó tử vong. Với những trường hợp biến chứng ở người không được tiêm vaccine, hoặc không được điều trị kịp thời có thể tử vong, mặc dù đã được dùng kháng sinh và tiêm huyết thanh.
Bệnh khởi phát cấp tính với các triệu chứng là đau họng, sốt và sưng hạnh ở cổ làm cho việc thở và nuốt trở nên khó khăn hơn. Lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp, hoặc gián tiếp qua vật dụng có dính chất bài tiết của người mang bệnh.
Bạch hầu là bệnh có thuốc đặc hiệu nên có thể điều trị hiệu quả khi phát hiện sớm hay đối với người bệnh đã được tiêm phòng vaccine .
Tiêm vaccine bạch hầu, hiện là phương án phòng bệnh an toàn và hiệu quả cho người lành, việc trì hoãn việc tiêm phòng vì lý do gì cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho cả trẻ em và người lớn.
Vậy nên, việc chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng là việc cấp thiết hiện nay.
Với thai phụ, việc mang thai đã giảm miễn dịch của cơ thể nên nguy cơ mắc bệnh càng cao, vaccine chủng ngừa bạch hầu -uốn ván- ho gà (Tdap) theo nghiên cứu chưa có ảnh hưởng gì đến thai nhi và được khuyến cáo khi mang thai vào khoảng tuần 27-36, giúp bảo vệ em bé chống lại tác nhân gây bệnh ngay từ khi sinh ra thay vì đợi đến 2 tháng tuổi mới có thể tiêm vaccine phòng ngừa
[1].
Với tình hình bệnh dịch khó kiểm soát, các thai phụ nên tiêm vaccine phòng ngừa, đặc biệt là các thai phụ đang ở vùng có dịch.
Mọi thắc mắc hay câu hỏi, các bạn có thể tới phòng khám Sản Phụ Khoa – Bệnh Viện Đa Khoa Vùng Tây Nguyên để được tư vấn .
[1] Pickering LK, Baker CJ, Freed GL, et al. Immunization programs for infants, children, adolescents, and adults: clinical practice guidelines by the Infectious Diseases Society of America. Clin Infect Dis 2009; 49:817.
Ý kiến bạn đọc