LỜI CẢNH BÁO DÙNG ĐIỆN THOẠI KHI ĐANG SẠC PIN NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP TAI NẠN XẢY RA TẠI BV ĐK VÙNG TÂY NGUYÊN
Dùng điện thoại khi đang sạc pin đã gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm trong thời gian vừa qua, đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
ĐẶT VẤN ĐỀ Dùng điện thoại khi đang sạc pin đã gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm trong thời gian vừa qua, đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều vụ tai nạn đã để lại thương tật vĩnh viễn, gây tàn phế suốt đời cho các nạn nhân, làm họ mất khả năng lao động, đau lòng hơn ở những nạn nhân tuổi đời còn rất trẻ. Tại bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên trong thời gian vừa qua, cũng đã tiếp nhận, cấp cứu và xử trí cho 1 bệnh nhân bị vết thương dập nát bàn tay do điện thoại nổ khi dùng điện thoại lúc đang sạc.
MÔ TẢ Vào khoảng 14h00 ngày 28/02/2020, khoa cấp cứu ban đầu, bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên có tiếp nhận 1 bệnh nhân tên là Trần Minh C, 12 tuổi, địa chỉ thường trú tại xã Ea H’Dinh, huyện CưMgar, tỉnh Đăk Lăk, được người nhà đưa vào viện trong tình trạng vết thương dập nát bàn tay trái, mất ngón 4, 5 bàn tay trái, chảy máu nhiều, vết thương được người nhà sơ cứu băng ép tại nhà sau đó đưa vào bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên. Theo khai thác thông tin ban đầu từ thân nhân và bệnh nhân, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cháu C đang là học sinh trung học cơ sở, được nhà trường cho nghỉ học ở nhà, vì điều kiện gia đình còn khó khăn, hai bố mẹ cháu C đi làm rẫy ở xa, ở nhà chỉ có mấy anh em vừa tự chăm sóc trông coi việc nhà. Do đang nghỉ học, lại không có người lớn nhắc nhở, ở nhà em C dùng chiếc điện thoại smart-phone chơi game suốt một thời gian dài và khi hết pin em vừa sạc pin vừa chơi game, và đến 13h00 chiều ngày 28/02/2020 thì điện thoại phát nổ khi đang còn trên tay em C. Theo thông tin từ bố mẹ em C, thì chiếc smart-phone được bố em C mua được gần 1 năm, và thường xuyên để ở nhà và được em C thường xuyên sử dụng để chơi game, mặc dù bố mẹ nhắc nhở, nhưng do công việc nương rẫy phải đi làm xa, không nhắc nhở thường xuyên được nên mời xảy ra sự việc đau lòng ngày hôm nay.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các đồng nghiệp tại khoa cấp cứu ban đầu đã xử trí băng bó lại vết thương, dịch truyền, kháng sinh, chống uốn ván, giảm cho bệnh nhân, cho các xét nghiệm tiền phẫu cần thiết và mời bác sĩ trực chuyên khoa chấn thương chỉnh hình hội chẩn.
Sau khi ra hội chẩn, kíp trực chuyên khoa chấn thương chỉnh hình bao gồm: BSCKII. Nguyễn Minh Trực(trưởng tua) và BSCKI Trần Hoàng Việt, thống nhất phương pháp xử trí phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Gia đình bệnh nhân đã các bác sỹ kíp trực CTCH giải thích về trình trạng bệnh, phương pháp phẫu thuật, và tiên lượng sau phẫu thuật để gia đình biết rõ. Vết thương của cháu C do điện thoại nổ, tương đương một vết thương hỏa khí, nguy cơ nhiễm trùng cao. Bàn tay trái của cháu C đã mất ngón 4, 5, phần còn lại của bàn tay dập nát nhiều, dính nhiều dị vật, chảy máu, mất da cân cơ và mô gân xương, các ngón còn lại của bàn trái hồi lưu máu nuôi kém, có nguy cơ hoại tử. Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ cấp cứu, đã được xử trí cấp cứu cắt lọc vết thương, lấy bớt mô dập và một phần dị vật, bơm rửa nhiều lần vết thương bằng nước muối sinh lý và oxy già, khâu bớt da che phủ mô gân xương, phần mô bàn tay thiếu da đắp gạc tetracylin, băng vết thương. Sau hồi sức ổn định, bệnh nhân được dùng kháng sinh, thay băng vết thương hằng ngày, dinh dưỡng nâng đở cơ thể, khi nào vết thương hết nguy cơ nhiễm trùng, mô hạt lên đạt tiêu chuẩn sẽ phẫu thuật che phủ phần mô khuyết da. Tiên lượng sau mổ của bệnh nhân là nguy cơ nhiễm trùng cao, hoại tử các ngón tay còn lại của bàn tay trái, và nếu bệnh qua được giai đoạn nhiễm trùng thì bệnh nhân phải trải qua nhiều lần phẫu thuật nửa để che phủ phần mô thiếu da, giữ lại phần còn lại của bàn tay. Tuy nhiên chức năng bàn tay sau này sẽ giảm, để lại thương tật và di chứng suốt đời.
KẾT LUẬN Qua nhân một trường hợp tai nạn do dùng điện thoại khi đang sạc pin gây nổ, gây ra thương tật suốt đời cho một bệnh nhân còn rất trẻ được xử trí tại bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên, người dùng điện thoại cần chú ý:
- Tuyệt đối không nên dùng điện thoại khi đang sạc pin, ngay cả khi sử dụng các smart-phone có thương hiệu như Iphone hoặc Sam sung.
- Khi mua điện thoại cần chú ý mua các loại điện thoại có chứng nhận của nhà sản xuất đảm bảo an toàn, tại các cơ sở có uy tín. Các loại phụ kiện như dây sạc pin, cục sạc dự phòng cũng nên sử dụng các loại đảm bảo an toàn.
- Đối với các cháu nhỏ khi dùng điện thoại cũng nên có sự giám sát nhắc nhở cùa người lớn, không nên để các cháu sử dụng quá nhiều, tránh gây ra những sự việc đáng tiếc như thời gian vừa qua, để lại những thương tật suốt đời, mà còn có những tác hại khác do dùng điện thoại gây ra như tồn thương thị lực, thính lực….
Ý kiến bạn đọc