NGƯNG HÔ HẤP TUẦN HOÀN DO ĐỢT CẤP BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
Bệnh nhân nam 67 tuổi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Vừa giao ban khoa xong, bước ra khỏi phòng giao ban, nghe tiếng bước chân vội vàng và tiếng bánh xe băng ca đẩy bệnh nhân rần rần, tiếng người nhà vừa khóc vừa gọi “Bác sĩ ơi cứu bố cháu với” tôi vội chạy đến. Trước mặt tôi là một người đàn ông lớn tuổi thể trạng mập, tím toàn thân và đã ngưng thở. Vội vàng hô “Cấp cứu bệnh nhân ngưng tim ngưng thở” vừa bắt động mạch cảnh thấy còn mạch nhưng rất chậm và yếu, tôi tiến hành ép tim ngoài lồng ngực và ê kíp cấp cứu được hình thành, một người mang bóp bóng, một người chuẩn bị nội khí quản, một người lấy và gắn Monitor theo dõi, một người chuẩn bị lấy ven, một người kết nối Oxy, người kéo máy sốc điện… chỉ vài giây sau ê kíp đã hoàn thành, bệnh nhân được đặt nội khí quản, tiếp

tục cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn, thiết lập đường truyền tĩnh mạch, lúc này mọi y lệnh được ra lệnh bằng “Miệng”. Mọi người ai cũng tập trung hết sức cho người bệnh. “Ngưng lại xem nào! Tim đập lại rồi, mạch cảnh có rồi, chuẩn bị Adrenalin truyền tĩnh mạch”. Chuẩn bị máy thở, nhập Hồi sức tích cực chống độc khi có huyết áp. Tim bệnh nhân đã đập lại, nhưng còn nhiều hậu quả do ngưng tuần hoàn để lại.

Bệnh nhân nam tên Võ Thành C. 67 tuổi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đã 10 năm, kèm bệnh Tăng huyết áp và Đái tháo đường. qua khai thác bệnh sử và tiền sử người nhà cho biết bệnh nhân chỉ dung thuốc Tăng huyết áp và đái tháo đường, không thăm khám và dung thuốc về bệnh phổi, chỉ khi nào khó thở mới đi khám, và bệnh phát từ tối hôm trước bệnh nhân vẫn chủ quan như các lần trước không đi khám và nhập viện, đến khi bệnh trở nặng mới nhập viện. Nghe người nhà nói mà thật buồn cho sự thiếu hiểu biết và không quan tâm tới bệnh tật của người bệnh, để bệnh thật nặng và xuất hiện các biến chứng mới chịu đi khám và nhập viện.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xảy ra ở người lớn tuổi, nhất là những người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 10,1 ± 4,8% dân số trên thế giới với nam giới chiếm 11,8 ± 7,9% và nữ giới chiếm 8,5 ± 5,8%. COPD hiện dự kiến sẽ trở thành nguyên nhân thứ ba gây tử vong trên toàn thế giới trước năm 2020. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu của bệnh COPD.
Theo phắc đồ Hồi sức tích cực của Bộ Y tế năm 2015, chia đợt cấp COPD thành 2 mức độ là mức độ nặng và nguy kịch. Và Bệnh nhân Võ Thành C thuộc mức độ nguy kịch. Mặc dù được cấp cứu thành công nhưng hệ quả của ngưng hô hấp tuần hoàn để lại rất lớn, chi phí điều trị rất cao.
Theo Hiệp hội bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thế giới (GOLD) năm 2017 đã đưa ra phân loại để hướng dẫn dự phòng sự diễn tiến của bệnh và kéo dài sự sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh, tuy nhiên đòi hỏi người bệnh phải cần tái khám định kỳ và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Ý kiến bạn đọc