NHĨ CHÂM
Phương pháp Y học cổ truyền giúp chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh
Nhắc đến nền Y học cổ truyền, chắc hẳn bạn đọc cũng đã quen thuộc với các phương pháp dùng thuốc thang, xoa bóp, bấm huyết, châm cứu... Và phương pháp
Nhĩ châm cũng là một trong những phương pháp quý báu của nền Y học cổ truyền. Tuy phương pháp này đã ra đời từ rất lâu, gặt hái được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn khá xa lạ với đa số mọi người, hy vọng thông qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu thêm đôi chút về phương pháp Nhĩ châm.
Hình ảnh: Nhĩ châm Khái quát về sự ra đời của nhĩ châm Nhĩ châm hay còn gọi là châm loa tai
Nhĩ châm là một phương pháp điều trị không dùng thuốc của Y học cổ truyền. Phương pháp này đã ra đời khá lâu, từ nhiều thế kỷ trước công nguyên, cũng đã được nhắc đến khá nhiều trong các tác phẩm nổi tiếng như Nội kinh, Tố Vấn... hay sách của các danh y như: Trương Trọng Cảnh, Tôn Tư Mạo...
Nhĩ châm cũng đã được áp dụng ở Ai Cập thời cổ đại để triệt sản đối với những phụ nữ không còn muốn sinh đẻ. Với Nhật và một số nước Châu Âu đã áp dụng nhĩ châm để điều trị đau thần kinh tọa. Tuy nhiên mãi đến năm 1962 khi trường phái nhĩ châm Nogier ra đời cùng các công trình nghiên cứu thực nghiệm đã đưa ra luận điểm: “ Loa tai là hình ảnh phản chiếu cơ thể con người trong tư thế như một bào thai trong bụng mẹ....” Từ đó, nhĩ châm mới được chú ý và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia.
Theo cơ sở lý luận của Y học cổ truyền Linh Khu có viết: “Tai là nơi hội tụ của tông mạch”. Bên cạnh đó, tai cũng có quan hệ mật thiết với lục phủ, ngũ tạng. Bởi vậy, tai có liên hệ mật thiết với kinh mạch, tạng phủ trong cơ thể.
Theo cơ sở thần kinh học Sự phân bố thần kinh ở loa tai rất phong phú, bao gồm: các nhánh chính của dây thần kinh tai to và dây thần kinh chẩm nhỏ ở tiết đoạn thần kinh cổ 2 3, nhánh thái dương của dây thần kinh sinh ba, nhánh tai sau của dây thần kinh mặt, nhánh tai sau của dây thần kinh phế vị. Với sự phân bố như trên, vậy nên loa tai được liên hệ mật thiết với não bộ và toàn thân.
Phát hiện bệnh lý dựa vào nhĩ châm Thực nghiệm cho thấy, khi cơ thể có bệnh, thì tại vị trí của loa tai có quan hệ với nơi đang bị bệnh sẽ xuất hiện những vùng phản ứng bệnh lý. Điểm hay vùng phản ứng này có thể xuất hiện khi bắt đầu bệnh cho đến khi khỏi bệnh.
Có thể phát hiện dựa vào:
+ Quan sát sự thay đồi màu sắc trên loa tai: có thể đỏ hồng hoặc tái nhợt, hay da vùng phản ứng bệnh lý trở nên xù xì, thô ráp
+ Dùng que dò tù đầu để tìm điểm, vùng phản ứng: khi ấn vào thì vùng phản ứng bệnh lý sẽ có cảm giác đau chói, bệnh nhân nhăn nhó
+ Dùng phương pháp đo điện trở: vùng phản ứng bệnh lý sẽ có điển trở thấp hơn so với các vùng kế cận.
Vậy nên dựa vào nhĩ châm, ta có thể phát hiện vị trí bệnh lý trên người bệnh, hay mặt khác làm khẳng định thêm cho chẩn đoán.
Điều trị với phương pháp nhĩ châm Sau khi xác định và chẩn đoán vùng bệnh lý, ta thực hiện kỹ thuật nhĩ châm để điều trị .
Cấu tạo của loa tai chủ yếu là da và sụn, một số vùng còn có lớp cơ mỏng, vậy nên châm ở loa tai khác với châm ở cơ thể.
Phương pháp châm:
+ Châm kim vào da thẳng góc khoảng 0,1- 0,2 cm không xuyên qua sụn, hoặc có thể châm chếch 30- 40°, hay châm xuyên vùng này qua vùng kia.
+ Cảm giác đạt được khi châm: đau buốt, đỏ ửng vùng châm
+ Một đợt điều trị thường 10-15 ngày, 1 lần/ ngày; ngoài ra còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và hiệu quả điều trị để quyết định thời gian liệu trình.
Mặt khác, có thể áp dụng phương pháp cài kim để kéo dài tác dụng của nhĩ châm, tăng cường tác dụng kích thích vào huyệt. Kim được sử dụng có tên gọi là nhĩ hoàn.
Hình ảnh: Nhĩ hoàn Chỉ định và chống chỉ định của nhĩ châm - Thường được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán và điều trị các chứng đau: như đau lưng, đau thần kinh tọa...
- Còn có thể áp dụng điều trị cho các rối loạn chức năng của cơ thể như: mất ngủ, tăng huyết áp, suy nhược, rối loạn thần kinh thực vật....
- Các trường hợp cấp cứu nội khoa, ngoại khoa.
- Các bệnh lý nhiễm khuẩn, nhiễm trùng nặng.
Tai biến thường gặp
- Chảy máu sau khi rút kim: xử trí dùng bông khô vô khuẩn ép tại chỗ.
- Nhĩ châm cũng tương tự như hào châm, trên lâm sàng cũng có thể gặp vựng châm với biểu hiện: người bệnh mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt hay cũng có thể ngất xỉu. Để phòng tránh vựng châm xảy ra, nên cho bệnh nhân nằm châm, nghỉ ngơi trước khi châm 15 phút, tạo tâm lý thoải mái tránh sợ hãi lo lắng, đồng thời tránh châm lúc bệnh nhân mệt nhọc, ăn quá no hoặc quá đói.
Phòng bệnh bằng nhĩ châm Ngoài tác dụng chẩn đoán và điều trị, nhĩ châm còn có tác dụng phòng bệnh. Từ ngày xưa, đã áp dụng phương pháp xoa, bấm huyệt vành tai để bổ thận khí, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Viện Đông y, từ năm 1965 đã tiến hành tiêm lượng nhỏ Vitamin B1 0,025g (hoặc Vitamin B12) pha loãng với nước cất tiêm vào vùng lách, dạ dày trên loa tai nhằm kích thích tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, người ta cũng đã tiêm Novocain vào vùng họng, amidan trên loa tai trẻ nhỏ nhằm tác dụng giảm số lần viêm nhiễm ở các cơ quan này.
Với những tác dụng đáng kinh ngạc của nhĩ châm trong chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh thì nhĩ châm quả là một di sản quý báu của nền Y học cổ truyền. Hy vọng thông qua bài viết trên, bạn đọc sẽ hiểu thêm được phần nào về nhĩ châm, về sự phát triển của nền Y học cổ truyền, từ đó có thể đặt trọn niềm tin vào nền y học ngày này.
Ý kiến bạn đọc