TẬT ĐẦU NHỎ VÀ NHIỄM VIRUS ZIKA
Vừa qua khoa Nhi Tổng Hợp có tiếp nhận Bệnh nhân H R Niê 8 tháng tuổi có tật đầu nhỏ. Phim CT scanner: teo bán cầu đại não hai bên. Đây là một trong số những bệnh nhân mắc tật đầu nhỏ nhập viện trong năm 2016.
Tháng 4/2016 tổ chức y tế thế giới đã đưa ra guidelines chẩn đoán tật đầu nhỏ là những trẻ sơ sinh có vòng đầu nhỏ dưới 2 SD so với trung bình. Những trường hợp có vòng đầu nhỏ hơn 3SD được coi là tật đầu nhỏ nặng.

Có nhiều nguyên nhân gây tật đầu nhỏ:
- Nhiễm trùng trước khi sinh: Zika bẩm sinh, đặc biệt là tiếp xúc với virus Zika trong ba tháng đầu của thai kỳ, có thể làm tổn hại các tế bào thần kinh (neuron) trong não, đặc biệt là tế bào thần kinh chưa trưởng thành. Ngoài ra các loại virus khác cũng có thể gây ra tật đầu nhỏ, như TORCH [toxoplasmosis, others (syphilis, varicella-zoster, parvovirus B19), rubella, cytomegalovirus, and herpes].
- Đột biến di truyền: nhiều gen có liên quan với đầu nhỏ đang được nghiên cứu. Người ta thấy rằng bất thường này có liên quan đến nhiễm sắc thể X, đột biến gen MCPH1, hội chứng Down, trisomy.
- Các yếu tố khác của sản phụ: mẹ sử dụng một số thuốc (Allylestreno, Aminophylline, Clopamide, Diazepam, Dimenhydrinate, Drotaverine, Hydroxyprogesterone…), chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, đái tháo đường thai kì, bệnh phenylketo niệu hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại có thể gây ra tật đầu nhỏ trong một số em bé.
- Sau sinh: chấn thương sọ não, thiếu ôxy não, nhiễm trùng ở não.
Triệu chứng đầu tiên của tật đầu nhỏ là đầu có kích thước nhỏ vòng đầu của trẻ nhỏ hơn vòng đầu trung bình so với trẻ cùng tuổi, giới và tuổi thai. Bên cạnh đó, có các triệu chứng khác như chậm phát triển thể chất và tinh thần, chán ăn, quấy khóc bất thường, co giật, chậm nói, có các vấn đề về nghe và nhìn.
Nhiễm virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes truyền và có thể gây dịch. Virus thuộc chi Flavivirus, họ Flaviridae. Bệnh được phát hiện trên khỉ Rhesus tại Uganda năm 1947 và phát hiện trên người năm 1952. Theo tổ chức y tế thế giới bệnh do virus Zika hiện đang diễn tiến phức tạp và lây lan nhanh. Tính đến ngày 19/1/2016 đã có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do virus Zika. Tại Việt Nam tính đến ngày giữa tháng 12/2016, cả nước có 212 trường hợp nhiễm virus Zika, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều ca nhiễm bệnh nhất với 186 người mắc.
Chẩn đoán xác định: Ca bệnh nghi ngờ và RT-PCR virus Zika dương tính và/ hoặc phản ứng huyết thanh IgM dương tính với virus Zika.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay là diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt.
Tài liệu tham khảo: 1. Ghada Abdel-Salam and Andrew E. Czeizel (2000). A Case-Control Etiologic Study of Microcephaly 2000 Sep;11(5):571-5.
2.
De Araújo TV,
Rodrigues LC, at all (2016). Association between Zika virus infection and microcephaly in Brazil
, Lancet Infect Dis ; 16: 1356–63
3.
Rawal G,
Yadav S ,
Kumar R (2016). Zika virus: An overview.
J Family Med Prim Care. 5(3):523-527. doi: 10.4103/2249-4863.197256.
Ý kiến bạn đọc