Search by category:

K BUỒNG TRỨNG

Ung thư buồng trứng là một trong những ung thư phụ khoa thường gặp nhất ở phụ nữ. Ở các nước Âu-Mỹ thì đây là ung thư có tỷ suất cao thứ hai sau ung thư thân tử cung. Trên toàn thế giới thì ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục đứng thứ hai sau ung thư cổ tử cung.
1. Đặc điểm dịch tễ
Tại Việt Nam theo số liệu ghi nhận giai đoạn 2001-2004, tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng từ 3,6-3,9/100.000 người.
Một số quốc gia ở Bắc Mỹ và Bắc Âu, phụ nữ có nguy cơ cao. Trái lại, tỷ lệ thấp ở Nhật và các nước đang phát triển.
Lứa tuổi trung bình của ung thư buồng trứng là khoảng 60 tuổi, gặp nhiều ở phụ nữ hậu mãn kinh. Ngoài ra ung thư buồng trứng có thể gặp ở những phụ nữ rất trẻ khoảng 14-15 tuổi.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân của ung thư buồng trứng hiện vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên người ta thấy có những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
2.1. Yếu tố nội tiết và tiền căn thai sản
Có những mối liên hệ rõ ràng giữa yếu tố nội tiết và tiền căn thai sản với nguy cơ mắc ung thư buồng trứng như:
Phụ nữ đã từng mang thai sẽ giảm nguy cơ ung thư buồng trứng xuống 2 lần.
Liệu pháp hormon thay thế. dùng thuốc kích thích rụng trứng, đặc biệt khi sử dụng kéo dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Có kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn, không có con hoặc có tiền sử ung thư vú cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Thuốc ngừa thai: nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc ngừa thai dạng uống có tác dụng bảo vệ đáng kể đối với ung thư buồng trứng. Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng ở những phụ nữ này chỉ bằng một nửa so với những phụ nữ không sử dụng, tác dụng bảo vệ này kéo dài nhiều năm sau khi ngưng sử dụng.
2.2. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn nhiều mỡ làm tăng khả năng mắc ung thư buồng trứng.Vitamin A và C cũng có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
2.3. Yếu tố môi trường
Trong một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ tiếp xúc với bột talc qua bao cao su hoặc giấy vệ sinh tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Tỷ lệ ung thư buồng trứng cao ở những người có tiền căn dùng phấn thơm ở vùng sinh dục.
Mối liên hệ giữa tia bức xạ ion và carcinôm buồng trứng còn nhiều bàn cãi. Chưa có bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa virus với ung thư buồng trứng, nhưng có nhiều nghiên cứu đã cho thấy ảnh hưởng của virus như cúm, rubella, quai bị đối với ung thư buồng trứng.
2.4. Ảnh hưởng của yếu tố di truyền
Ung thư buồng trứng có tính chất di truyền. Ung thư buồng trứng di truyền thường xảy ra sớm hơn 10 năm so với ung thư buồng trứng không có tính di truyền.
Hội chứng ung thư vú-buồng trứng gia đình thường ảnh hưởng tới liên quan phả hệ bậc 1 và 2. Hội chứng này thường gặp ở phụ nữ trẻ, bướu buồng trứng thường ở 2 bên. Ở những phụ nữ này, nguy cơ bị mắc ung thư buồng trứng tăng gấp 2 đến 4 lần so với cộng đồng. Locus gen hiện diện trên chromosome 17 của gen BRCA1
Hội chứng Lynch II: carcinôm tuyến ở nhiều cơ quan, hiện diện đồng thời ung thư ở đại tràng, buồng trứng, nội mạc tử cung, vú và những ung thư khác của đường sinh dục.
Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy người bị ung thư vú có tần suất bị ung thư buồng trứng cao gấp 2 lần người khác và ung thư buồng trứng có tần suất bị ung thư vú cao gấp 3, 4 lần.
II. CHUẨN ĐOÁN UNG THƯ BUỒNG TRỨNG                                                  1. Đặc điểm lâm sang Giai đoạn sớm của bệnh hiếm khi có các triệu chứng hay dấu hiệu. Các triệu chứng có xu hướng phát triển chỉ khi ung thư tiến triển nặng.
Biểu hiện chung:
– Cảm giác khó chịu, nặng ở bụng, đầy bụng và bụng chướng là những triệu chứng thường gặp của ung thư buồng trứng.
– Ngoài ra cũng có thể gặp những triệu chứng khác như: xuất huyết âm đạo, các triệu chứng của đường tiêu hoá như đi cầu bón, khó đi cầu do bướu lớn chèn ép vào thành trực tràng và đường tiết niệu như tiểu lắt nhắt, đau tức hông lưng….
Thăm khám:
– Nếu là bướu lớn có thể sờ được trên bụng
– Bướu nhỏ nằm trong tiểu khung thì phải kết hợp khám trong âm đạo với khám bụng sẽ thấy: khối bướu tròn, chắc, căng, gõ đục, nằm giữa, trước hay cạnh tử cung, di động hay ít di động, độc lập với tử cung, bướu có thể xâm lấn vùng chậu hay không.
– Cổ chướng
Một số trường hợp bệnh nhân được phát hiện tình cờ lúc khám tổng quát.
Ở trẻ em, triệu chứng thường gặp là đau bụng, bụng báng, khối bướu vùng chậu.
2. Cận lâm sàng
2.1. Siêu âm bụng chậu
Giúp chuẩn đoán khối bướu buồng trứng, khi nghi ngờ trên thăm khám lâm sàng, có thể thực hiện siêu âm vùng chậu qua ngã bụng và qua ngã âm đạo. Siêu âm cho phép phân biệt khối u buồng trứng với các khối u khác vùng chậu, hình thái, kích thước khối u, tình trạng buồng trứng bên đối diện và dịch cổ chướng
Siêu âm doppler màu đánh giá mạch máu khối u, có thể phát hiện được những mạch máu tân sản bất thường gợi ý u lành hay ác.
2.2. CT scan và MRI
Giúp đánh giá mức độ xâm lấn và tình trạng di căn của u
2.3. Các dấu hiệu sinh học: Nồng độ CA 125 tăng cao ở hơn 80% các trường hợp ung thư biểu mô buồng trứng, nhưng cũng có thể tăng trong một số tình trạng lành tính hoặc một số ung thư ngoài buồng trứng.
α-fetoprotein (AFP) và HCG tăng trong các u tế bào mầm.
2.4. Tế bào học dịch cổ chướng
Chọc hút, ly tâm dịch cổ chướng để tìm tế bào ung thư
2.5. Soi ổ bụng
Khi còn nghi ngờ với khối u nhỏ. Trong khi soi có thể làm sinh thiết hoặc làm tế bào học các vị trí nghi ngờ để đánh giá giai đoạn.
2.6. Phẫu thuật thăm dò
Giúp chuẩn đoán xác định. Nếu xác định là ung thư buồng trứng có thể tiến hành phẫu thuật điều trị.
2.7. Xếp loại mô bệnh học
Phân chia bướu buồng trứng về mặt vi thể dựa vào nguồn gốc tạo mô:
2.7.1. Bướu có nguồn gốc từ biểu mô
Ung thư bao gồm các loại:
Bướu dịch thanh
Bướu tuyến bọc dịch trong
Bướu dịch trong giáp biên
Carcinôm tuyến bọc dịch trong
Bướu dịch nhầy
Bướu tuyến bọc dịch nhầy
Bướu dịch nhầy giáp biên
Carcinôm tuyến bọc dịch nhầy
Carcinôm dạng nội mạc tử cung
Carcinôm tuyến tế bào sáng
Bướu Brenner
Carcinôm không biệt hoá
Trong đó:
75% carcinôm buồng trứng có giải phẫu bệnh là carcinôm tuyến bọc dịch trong.
20% carcinôm buồng trứng có giải phẫu bệnh là carcinôm tuyến bọc dịch nhầy.
2% carcinôm buồng trứng là carcinôm tuyến tế bào sáng.
1% carcinôm buồng trứng là bướu brenner.
1% carcinôm buồng trứng là carcinôm kém biệt hoá
2.7.2. Bướu mầm bào
         Bướu nghịch mầm.
Carcinôm phôi.
Bướu đa phôi.
Bướu xoang nội bì.
Bướu nguyên bào nuôi.
Bướu quái ác tính không trưởng thành.
Bướu tế bào mầm hỗn hợp.
2.7.3. Bướu có nguồn gốc từ dây sinh dục
Bướu tế bào hạt và tế bào vỏ.
Bướu tế bào hạt.
Bướu tế bào vỏ.
Bướu sợi.
Bướu tế bào Sertoli-Leydig.
Bướu nguyên bào sinh dục
2.7.4. Bướu không được xếp loại
2.7.5. Bướu do di căn
3. Chuẩn đoán giai đoạn
Ung thư buồng trứng được xếp giai đoạn theo FIGO (Federation Internationale de Gynecology et d’Obstetric)
Giai đoạn I: khu trú ở buồng trứng
Giai đoạn IA: một buồng trứng, không báng bụng, không có bướu trên mặt ngoài buồng trứng, vỏ bao buồng trứng còn nguyên
Giai đoạn IB: cả hai buồng trứng, không báng bụng, không có bướu trên mặt ngoài, vỏ bao còn nguyên
Giai đoạn IC: IA hoặc IB kèm bướu trên bề mặt của một hoặc hai buồng trứng, hoặc vỏ bao vỡ, hoặc báng bụng có chứa tế bào ác tính trong dịch rửa phúc mạc
Giai đoạn II: bướu ở một hoặc hai buồng trứng có thêm ăn lan vùng chậu
Giai đoạn IIA: ăn lan và/hoặc di căn tử cung và/hoặc vòi trứng
Giai đoạn IIB: ăn lan các mô khác của vùng chậu
Giai đoạn IIC: IIA hoặc IIB kèm bướu trên bề mặt của một hoặc hai buồng trứng, hoặc vỏ bao vỡ hoặc báng bụng có chứa tế bào ác tính, hoặc dịch rửa phúc mạc
Giai đoạn III: bướu ở một hoặc hai buồng trứng lan tới ruột non, di căn mạc nối trong vùng chậu hoặc trong phúc mạc, các hạch sau phúc mạc, hạch bẹn, di căn bề mặt gan
Giai đoạn IIIA: khu trú ở vùng chậu, hạch (-) nhưng vi thể có ăn lan phúc mạc
Giai đoạn IIIB: khu trú một hay hai buồng trứng, ăn lan phúc mạc không quá 2 cm đường kính, hạch (-)
Giai đoạn IIIC: ăn lan phúc mạc > 2 cm đường kính và hoặc hạch bẹn hay hạch sau phúc mạc (+)
Giai đoạn IV: di căn xa, tràn dịch màng phổi tế bào học (+), di căn nhu mô gan.
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Điều trị phẫu thuật
Trong ung thư buồng trứng phẫu thuật vẫn là kinh điển và đóng vai trò quan trọng, bao gồm phẫu thuật chẩn đoán thể giải phẫu bệnh lí, phẫu thuật rộng rãi triệt căn và phẫu thuật giảm khối lượng u. Nếu không có chống chỉ định do bệnh nội khoa và di căn xa thì phẫu thuật luôn được chỉ định trước tiên. Nó cho phép chẩn đoán mô bệnh học, đánh giá xâm lấn của ung thư. Trong những giai đoạn thuận lợi cho phép tiến hành phẫu thuật triệt để: cắt tử cung toàn bộ + cắt buồng trứng 2 bên + cắt mạc nối lớn + lấy những hạch nghi ngờ di căn.
Phẫu thuật mang tính triệt để được áp dụng đối với những bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn I, II và một số bệnh nhân giai đoạn III.
Phẫu thuật làm giảm khối lượng u tối đa áp dụng cho những bệnh nhân ung thư buồng trứng gia đoạn III và IV.
Đối với ung thư buồng trứng tái phát sau mổ mà chưa có bệnh lí giải phẫu, thì phẫu thuật xác định thể giải phẫu bệnh lí là cần thiết và có thể cắt giảm khối lượng u tối đa.
Vấn đề mổ kiểm tra lại (second – look) được đặt ra với những bệnh nhân sau điều trị hóa chất 6 đợt. Phẫu thuật này không những giúp đánh giá các tổn thương mà còn lấy đi những khối có thể  lấy nốt được. Sinh thiết phúc mạc một cách hệ thống, đặc biệt sinh thiết vùng Douglas, để xét nghiệm sự đáp ứng hóa chất giúp chỉ định điều trị bổ trợ tiếp theo.
2. Điều trị hóa chất
Với những tiến bộ của hóa dược và hồi sức, hóa chất trong ung thư buồng trứng trở thành một liệu pháp bổ trợ quan trọng và phổ biến nhất.
Có rất nhiều phác đồ để lựa chọn điều trị ung thư buồng trứng tùy thuộc vào giai đoạn bệnh thể trạng của bệnh nhân và thể giải phẫu bệnh là ung thư biểu mô tuyến hay ung thư tế bào mầm hoặc ung thư các thành phân khác của buồng trứng.
Giai đoạn IC và các giai đoạn tiếp sau đều có chỉ định hóa chất sau phẫu thuật, trong trường hợp ung thư buồng trứng tái phát nếu có giải phẫu bệnh lí ở lần mổ đầu hóa chất được chỉ định đầu tiên sau mới đến vai trò của phẫu thuật.
Vấn đề hóa chất trong ổ phúc mạc ít được quan tâm áp dụng.
Với những khối u lớn, dịch cổ chướng nhiều, hóa chất màng bụng được lựa chọn với cisplatin và kết hợp với hóa chất toàn thân ở một số trường hợp.
3. Điều trị tia xạ
Vai trò của tia xạ trong ung thư buồng trứng có thể được áp dụng cho những bệnh nhân giai đoạn Ia và Ib sau phẫu thuật. Tia xạ toàn ổ bụng – khung chậu với liều 2500 – 3000cGy.
Tia xạ cũng được áp dụng cho những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị hóa chất hoặc trong điều trị vớt vát (Palliative), thăm dò với những khối u tạo thành khối cố định vào thành chậu hông hoặc những tổn thương di căn.
4. Phác đồ điều trị
4.1. Giai đoạn IA, IB
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung + hai buồng trứng + mạc nối lớn là đủ vì u còn khu trú chưa xâm lấn ra bề mặt của buồng trứng.
Sau mổ có thể hỗ trợ tia xạ toàn khung chậu liều 25 – 30cGy.
4.2. Giai đoạn IC, II
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung + hai buồng trứng + mạc nối lớn.
Hóa chất bổ trợ tùy theo thể giải phẫu bệnh lí là ung thư biểu mô hay ung thư tế bào mầm hoặc các loại ung thư khác của buồng trứng và tùy theo thể trạng và điều kiện kinh tế của bệnh nhân.
4.3. Giai đoạn III, IV
Phẫu thuật làm giảm khối u tối đa. Nếu có thể được thì cắt tử cung toàn bộ + buồng trứng hai bên + mạc nối + lấy hạch và nhưng nhân di căn.
Hóa chất bổ trợ sau phẫu thuật 6 đợt tùy thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh lí là ung thư biểu mô tuyến hay ung thư tế bào mầm hoặc các loại ung thư khác của buồng trứng mà lựa chọn.
Phẫu thuật kiểm tra lại (second – look) nhằm đánh giá đáp ứng với hóa chất, nếu còn tổ chức ung thư tiếp tục điều trị thêm 3 đợt hóa chất tiếp. Nếu không còn tế bào ung thư ở bệnh phẩm còn lại theo dõi định kì.
4.4. Ung thư buồng trứng tái phát
Những trường hợp tái phát mà đã có chẩn đoán giải phẫu bệnh ở lần mổ trước thì việc dùng hóa chất cần được lựa chọn. Sau 6 đợt điều trị, cần phẫu thuật kiểm tra lại nhằm đánh giá đáp ứng hóa chất. Nếu còn tổn thương ung thư, thì điều trị tiếp 3 đợt hóa chất.
Những trường hợp tái phát mà chưa có chẩn đoán bệnh lí giải phẫu ở lần mổ trước thì phẫu thuật được chỉ định để xác định thể giải phẫu bệnh và làm giảm khối lượng u, sau đó điều trị hóa chất 6 đợt. Phẫu thuật kiểm tra lại sự đáp ứng hóa chất để chỉ định tiếp như trên.
V. Tiên lượng
Ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu, được chuẩn đoán và phát hiện sớm thì cơ hội chữa khỏi sẽ cao hơn. Do đặc điểm lâm sàng của bệnh lý ung thư buông trứng nên bệnh nhân thường đến với tình trạng bệnh giai đoạn muôn, việc chữa khỏi hoàn toàn gặp rất nhiều khó khăn.
Tùy từng thể giải phẫu bệnh, tiên lượng ung thư buông trứng còn phụ thuột vào tuổi, toàn trạng, các triệu chứng lâm sàng và dịch cổ chướng ổ bụng:
Với ung thư biểu mô: tỷ lệ sống sau năm năm là 73%, 46%, 19% và 5% ở từng giai đoạn I, II, III và IV.
VI. Theo dõi
Theo dõi sau điều trị bằng khám lâm sàng, các chất chỉ điểm ung thư với một số xét nghiệm khác như siêu âm, X-quang ngực
Lịch trình: khám lại sau 2-4 tháng/lần trong 2 năm đầu, 6 tháng/lần trong 3 năm tiếp, sau đó là 1 năm 1 lần.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Jemal A, Murray T, Ward E, Samuels A, Tiwari RC, Ghafoor A, Feuer EJ, Thun MJ. Cancer statistics, 2005. CA Cancer J Clin 2005;55:10-30.
  2. Nguyễn Bá Đức (2010). Điều trị nội khoa bệnh ung thư. Nhà xuất bản y học Hà Nội.
  3. Nguyễn Chấn Hùng (2004). Ung thư học nội khoa. Nhà xuất bản y học TP. Hồ chí Minh.
  4. Stephen A. Cannistra Cancer of the Ovary N Engl J Med 2004;351:2519-2529.
  5. Agustin A Garcia Ovarian Cancer Fulltext in Emedicine.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý độc giả copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn benhviendaklak.org.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2022 - 2024 | benhviendaklak.org.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status